Cẩm nang bỏ túi: Hướng dẫn chọn màn hình gaming
Với những game thủ newbie đang có ý định xây dựng một hệ thống PC gaming cho riêng mình nhưng vẫn còn mắc kẹt trong hàng loạt sản phẩm trên thị trường, đặc biệt là màn hình chuyên game. Với nhiều thông số kỹ thuật như tần số quét, độ phân giải và tính năng hỗ trợ thì cũng thật khó để chọn lựa. Và bài viết hôm nay chính là dành cho bạn. Hãy bỏ túi ngay những cẩm nang này để lựa chọn màn hình PC hoàn hảo cho mình nhé!
Độ phân giải
Độ phân giải là số lượng điểm ảnh có trên màn hình, từ trái sang phải, từ trên xuống dưới. Nó có lẽ là một yếu tố dễ nhận biết nhất trên hầu hết các màn hình PC. Nhưng bạn cũng không cần nhất thiết bỏ nhiều tiền để đầu tư cho yếu tố này. Một số tựa game như Doom Eternal có thể lên đến 8K, có lẽ bạn cũng chẳng cần một chiếc màn hình 8K ngay lúc này để làm gì.
Hiện nay, màn hình 4K đang được xem là phân khúc thu hút nhiều tín đồ chơi game nhất. Tuy nhiên, lý do cũng tương tự phía trên, không phải tựa game nào cũng có thể lên đến 4K. Các VGA cấp cao nhất có thể chạy các trò chơi AAA ở tốc độ khung hình 60 giây (fps) ở 4K. Các card tầm trung có thể xử lý các trò chơi nhẹ hơn như Fortnite ở 4K, nhưng chắc sẽ vật vã ở những tựa game lớn như Assassin's Creed: Valhalla.
Đó chính là lý do vì sao độ phân giải 2K chính là chân ái của nhiều game thủ chơi game trên máy tính. Trên thị trường có rất nhiều card đồ họa có thể xử lý tốt độ phân giải này. Còn đối với nhiều game thủ có mức kinh phí hạn hẹp, độ phân giải Full HD vẫn có thể chấp nhận được và tất nhiên mức giá cũng trong tầm với nên bạn có thể thoải mái cân nhắc nhé.
Tần số quét
Tần số quét chính là một yếu tố then chốt khác bạn nên lưu tâm khi chọn mua màn hình PC. Việc tìm kiếm một chiếc màn hình đáp ứng tốt nhu cầu của bạn là một điều vô cùng quan trọng. Tần số quét là số lần màn hình làm mới hình ảnh đồ họa mỗi giây. Tần số quét cao sẽ có lợi thế hơn nếu bạn chơi những tựa game cạnh tranh cao, mỗi khung hình là mỗi chi tiết riêng biệt, có thể quyết định nên chiến thắng của bạn.
Tần số quét có mối quan hệ trực tiếp với fps, ít nhất đối với trải nghiệm người xem. Nếu card đồ họa của bạn có thể đạt đến 240fps nhưng màn hình PC của bạn chỉ dừng lại ở mức 60Hz, lúc này bạn sẽ biết tầm quan trọng của tần số quét màn hình. Màn hình và card đồ họa phải tương thích thì mới có thể xử lý tốt tác vụ đồ họa.
Các tần số quét màn hình thường gặp là 60Hz, 90Hz, 144Hz, 240Hz và thậm chí 360Hz. Tần số quét càng cao thì trải nghiệm chơi game cũng tốt hơn. Và đương nhiên đừng quên đầu tư VGA đủ mạnh để đáp ứng nhé nếu không tình trạng xé màn hình sẽ xuất hiện và mang đến trải nghiệm chơi game cực kỳ không tốt.
Thời gian phản hồi
Thời gian phản hồi hay bị hiểu nhầm với tần số quét. Thời gian phản hồi là thời gian màn hình chuyển từ màu này sang màu khác. Thời gian phản hồi càng thấp, hình ảnh chuyển sẽ càng rõ nét. Ngược lại, hiện tượng bóng ma sẽ xuất hiện nếu thời gian phản hồi cao.
Thời gian phản hồi lý tưởng cho màn hình PC gaming phải ở mức nhỏ hơn 5ms, mặc dù một số màn hình còn đạt thời gian phản hồi dưới 1ms. Đối với người dùng phổ thông, 1ms hay 5m đều như nhau nhưng đối với game thủ thì đây chính là vấn đề.
Độ trễ màn hình
Độ trễ màn hình là khoảng thời gian từ thời điểm bạn click chuột, bàn phím hay thiết bị khác đến thời điểm nó hiển thị trên màn hình. Nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như tốc độ thiết bị, thành phần máy tính cũng như tốc độ hiển thị trên màn hình. Màn hình với độ trễ cao sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm chơi game của game thủ. Chẳng ai muốn chuột một đằng, màn hình hiển thị một nẻo cả.
Kích thước màn hình và tỷ lệ hiển thị
Kích thước màn hình có lẽ là đặc điểm dễ nhận biết nhất. Có một vài điều bạn nên biết khi nói đến kích thước màn hình. Đầu tiên, không gian chơi game của bạn như thế nào? Nếu bạn có một không gian chơi game vừa phải, đừng gắng gượng một chiếc màn hình kích thước lớn như 32 inch hay 34 inch nhé. Tất nhiên, màn hình PC luôn đi kèm với tay cầm hoặc treo tường để bạn điều chỉnh góc nhìn cho mình, nhưng tốt nhất vẫn nên chọn màn hình có kích thước phù hợp với không gian chơi game.
Những kích thước màn hình phổ biến thường là 24 inch, 27 inch và 32 inch. Màn hình 24 inch thường có giá thành dễ tiếp cận hơn và hầu như có thể đáp ứng mọi không gian. Màn hình 27 inch chính là kích thước tiêu chuẩn nhất, nó cho góc nhìn rộng hơn và tất nhiên góc nhìn cũng đẹp hơn rất nhiều. Còn nếu bạn đang muốn tìm một góc nhìn rộng hơn nữa thì hãy tham khảo ngay màn hình 32 inch nhé. Chất lượng hiển thị sẽ nhỉnh hơn màn hình 27 inch và đương nhiên giá thành cũng cao hơn màn hình 27 inch khá nhiều.
Đừng quên kiểm tra độ phân giải màn hình nhé. Độ phân giải Full HD sẽ phù hợp với màn hình 24 inch, tuy nhiên, hình ảnh ở độ phân giải này sẽ vô cùng loang lổ và rời rạc đối với màn hình 32 inch. Ngược lại, màn hình 4K hay màn hình Full HD cũng sẽ không có gì khác biệt trên màn hình 24 inch cả. Nếu muốn một màn hình độ phân giải cao thì hãy ưu tiên màn hình kích thước lớn trước nhé.
Tỷ lệ màn hình là tỷ lệ giữa chiều rộng và chiều cao màn hình, nó đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Ví dụ, tỷ lệ 16: 9 tiêu chuẩn nhất hiện nay, sẽ cho 16 điểm ảnh ngang cho mỗi 9 điểm ảnh dọc. Tuy nhiên, tỷ lệ mới 21:9 cũng đang ngày càng trở nên phổ biến trên các màn hình góc rộng, điển hình như màn hình Samsung Odyssey G9 mới đây. Thường được biết đến như màn hình góc siêu rộng, những loại màn hình PC này sẽ mang lại một trải nghiệm khác biệt và hoàn toàn mới mẻ cho game thủ. Điểm trừ cũng chính là tỷ lệ mới nên sẽ xuất hiện tình trạng màn hình đen ở một vài khu vực trên màn hình.
Tấm nền màn hình
Sau đây là những công nghệ màn hình thường gặp:
TN
Đây là tấm nền rẻ nhất và cũng là tấm nền tốt nhất cho những game thủ tài chính chưa vững chắc. Nó cung cấp một tốc độ khung hình ổn định và thời gian phản hồi tương đối thấp. Khuyết điểm duy nhất của màn hình này là độ chính xác màu sắc kém và góc nhìn kém.
VA
Tấm nền VA (Vertical Alignment) sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo cho màn hình gaming. Nó cân bằng được thời gian phản hồi và tần số quét. Không những thế, nó còn làm tốt khuyết điểm mà tấm nền TN đang gặp phải, màu sắc trên tấm nền VA khá chân thật, không chuẩn như tấm nền IPS cao cấp nhưng đối với game thủ, bao nhiêu đấy là quá đủ.
IPS
In-plane switch (IPS) là tấm nền cho màu sắc hiển thị đẹp và chuẩn xác nhất từ mọi góc nhìn. Và đương nhiên, thời gian phản hồi sẽ có phần không nhanh bằng tấm nền TN vì sở hữu khả năng hiển thị hình ảnh quá tốt.
OLED
Cả ba tấm nền trên đều là những phiên bản của màn hình LCD, màn hình OLED là một trường phái riêng biệt và hoàn toàn khác. Độ tương phải trên màn hình OLED cực đỉnh, do vậy, nó chính là tấm nền tốt nhất cho những màn hình có tích hợp tính năng HDR. Điểm trừ của tấm nền này là giá thành cao và nguy cơ burn-in màn hình khá cao.
Hỗ trợ gam màu
Gam màu quyết định dãy màu nào màn hình PC của bạn sẽ hiển thị. Gam màu tiêu chuẩn nhất thường rơi vào khoảng 99% sRGB. Trong khi, màn hình có hỗ trợ phổ màu rộng hơn có thể cung cấp hơn 90% gam màu chuyên nghiệp DCI-P3. Phần trăm gam màu hỗ trợ càng cao tức là khả năng màu sắc hiển thị trên màn hình càng sống động.
Cổng kết nối và những tính năng đi kèm khác
Bạn cũng nên quan tâm đến cổng kết nối màn hình khi đã nắm rõ được thông tin kỹ thuật. Màn hình của bạn có thể kết nối với hệ thống PC hay không sẽ phụ thuộc vào cổng kết nối trên màn hình. Những cổng kết nối thông dụng nhất hiện nay là HDMI, DisplayPort và Thunderbolt. HDMI là cổng kết nối thông dụng nhất bởi vì nó có cùng chuẩn kết nối với màn hình TV. Nếu bạn sở hữu màn hình 4K, hãy chắc chắn rằng bạn có ít nhất 2 cổng HDMI 2.0 và một cổng 2.1 để có được trải nghiệm HDT tốt nhất.
DisplayPort ít phổ biến hơn cổng HDMI nhưng đó lại là cổng cực kỳ cần thiết cho màn hình PC gaming. Kết nối DisplayPort có băng thông cao hơn kết nối HDMI kiểu cũ và thông dụng hơn đối với card đồ họa PC.
Vậy cổng Thunderbolt là gì? Cổng Thunderbolt có thể dễ dàng kết nối với cổng USB type-C thông qua một dây cáp duy nhất. Hầu hết các kết nối Thunderbolt đều sở hữu băng thông 49Gb/s, cao ngang ngửa cổng HDMI 2.0 và cổng DisplayPort 1.4. Bên cạnh đó, cổng Thunderbolt lại có phần tiện dụng hơn cổng HDMI và DisplayPort vì nó hỗ trợ kết nối với nhiều thiết bị USB-C khác cũng như máy tính.
Giá thành màn hình
Yếu tố cuối cùng nhưng vô cùng quan trọng chính là giá thành. Vì mỗi game thủ sẽ có nhu cầu tài chính khác nhau. Bạn muốn mua một chiếc màn hình 4K nhưng điều kiện không cho phép thì cũng nên cân nhắc một chiếc màn hình khác phù hợp túi tiền của bạn hơn. Cân bằng giữa ngân sách của bạn cho phép để lựa chọn một màn hình PC đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu bạn cần, bạn muốn sẽ hợp lý hơn là mua một chiếc màn hình đắc nhất.
Và một tip nho nhỏ bạn có thể bỏ túi ngay chính là giá thành màn hình luôn biến động khi một model khác ra mắt, do đó hãy để mắt đến chiếc màn hình 1 hay vài năm trước, nó có thể có đầy đủ mọi thứ bạn cần mà giá thành cũng đã mềm hơn thời điểm mới ra mắt rất nhiều lần.
Tổng kết lại, có rất nhiều yếu tố bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua màn hình gaming. Trên đây là những điều cơ bản cho bạn nếu bạn chưa hiểu rõ về màn hình PC cũng như chưa biết phải chọn màn hình PC gaming như thế nào. Hy vọng bài viết sẽ giúp ít cho bạn.